5 sai lầm thường mắc khi phượt Đông – Tây Bắc lần đầu

Mỗi người sẽ có cách riêng để trải nghiệm vẻ đẹp vùng núi phía Bắc, song không ít người đã mắc phải những sai lầm rất phổ biến khi phượt đến đây lần đầu.

Không lên trước lịch trình

Bất kể một chuyến đi nào, để tiết kiệm chi phí và thời gian tối đa, chúng ta nên lập kế hoạch và lịch trình cụ thể. Vòng cung Đông và Tây Bắc có rất nhiều điểm đến hấp dẫn, có thể kể như: Mai Châu (Hòa Bình) – Mộc Châu – Tà Xùa (Sơn La) – Mù Căng Chải (Yên Bái) – Sa Pa – Ô Quy Hồ (Lào Cai) – Hoàng Su Phì – TP Hà Giang – Đồng Văn – Mèo Vạc (Hà Giang) – Thác Bản Giốc (Cao Bằng) – Bắc Sơn (Lạng Sơn),…

 

Không nhiều người có thể dành trọn thời gian một lượt để chinh phục toàn bộ miền núi phía Bắc, tuy nhiên nếu có thể sắp xếp lịch trình hợp lý nhất, bạn cần có ít nhất 10 ngày để đi qua và trải nghiệm một vòng các điểm đến ở đây.

Miền núi phía Bắc là mảnh đất không thể chỉ đến một lần. Tốt hơn, bạn nên chia nhỏ lịch trình, chinh phục từng cung ngắn theo mùa khác nhau. Chẳng hạn, khoảng thời gian này cho tới đầu tháng 10 là thời điểm rất đẹp để dành 3 ngày cho cung phượt Hà Nội – Mù Căng Chải – Nghĩa Lộ, ngắm mâm xôi lúa chín ở Mù Căng Chải.

Đường đèo Đông – Tây Bắc quanh co và rất nguy hiểm nếu đi vào buổi tối. Nếu không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về lịch trình để chọn cung đường phù hợp nhất, bạn có thể trở về với không ít thất vọng.

Không bảo dưỡng xe trước khi đi

 

Một sai lầm tối kỵ của rất nhiều người lần đầu phượt vùng núi phía Bắc là quá lơ là “bạn đồng hành”. Nên nhớ địa hình vùng núi khác hoàn toàn với địa hình dưới xuôi với những con đường bằng phẳng. Xe máy nếu không được thay dầu nhớt và kiểm tra săm lốp, đèn pha, phanh, còi thì sẽ rất nguy hiểm cho người lái.

Không phải ngẫu nhiên mà dịch vụ cho thuê xe ở các tỉnh vùng cao lại đắt gấp đôi các điểm du lịch khác như ở Đà Nẵng hay Phú Yên. Những chiếc xe số thường phải gồng mình chống chọi lại không ít con dốc thẳng đứng hay đường đá lở ở Bắc Yên (Sơn La) hay Hà Giang. Chính vì thế, một điều mà không ai nên bỏ qua là hãy đối xử thật tốt với chiếc xe của mình trước khi cùng nó đi một chặng đường gian nan.

Lưu ý rằng hiệu sửa xe ở những điểm vùng cao không có nhiều và dễ kiếm, nên đừng quên chuẩn bị sẵn dụng cụ sửa xe và để trong cốp.

Vượt quá tốc độ cho phép

Có rất nhiều bạn chưa có kinh nghiệm đi xe đường dài nên không ít lần “chạm trán” với cảnh sát giao thông. Nhiều người đi khá nhanh trên đường vùng cao tương đối thưa và thoáng, nên không ít bạn bỏ qua biển báo hiệu khu vực đông dân cư. Không ít phượt thủ bị phạt vì những lỗi cơ bản không đáng mắc phải bởi những sơ suất của mình. Chốt giao thông phổ biến khá nghiêm ngặt mà nhiều phượt thủ “đụng” cảnh sát giao thông nằm trên địa phận Hàm Yên (Tuyên Quang).

Vì vậy, các bạn hãy chú ý quan sát biển báo hiệu bên đường và giảm tốc độ để tránh gặp phải những rắc rối không đáng có.

Mặc váy và đi giày cao gót

Không ít cô gái đã mộng mơ có những tấm hình thật đẹp khi đứng trước đồi hoa tam giác mạch trắng hồng, hay cỏ cây xanh mướt đã xem trên mạng.

Tuy nhiên, đã đến với vùng miền núi thì một điều tối thiểu nên tránh là mang theo trang phục rườm rà, không tiện di chuyển. Thay vì thế, hãy đổi phong cách mạnh mẽ và khỏe khoắn với những chiếc quần thoải mái cùng đôi giày mềm mại để bảo vệ chân. Ngoài ra, nếu có thể, hãy chuẩn bị bộ giáp chân, giáp tay tránh va chạm mạnh với các vật thể lạ, kính mắt, mũ bảo hiểm che 3/4 đầu, găng tay và khẩu trang đầy đủ.

Đi chỉ để check-in đăng facebook

Khi mà phượt đang là một trào lưu nở rộ thì không ít bạn trẻ đã bỏ quên tính khám phá và trải nghiệm thực tế cho chuyến đi của mình. Thay vì thế, một số người sử dụng thời gian, sức lực và tiền bạc của mình trên những cung đường chỉ để có những tấm hình check-in và đánh dấu lãnh thổ. Đông – Tây Bắc tươi đẹp và có sự đa dạng văn hóa của nhiều dân tộc khác nhau. Do đó, theo kinh nghiệm của những người đi trước, thời gian dành cho mỗi điểm đến không nên ít hơn một ngày, nếu không, nơi này với bạn thực sự chỉ là đi một lần rồi không trở lại.

Hoặc cũng có những bạn vì không có thời gian nên muốn đi thật nhanh, thật nhiều. Song, cố gắng làm quá nhiều thứ trong một chuyến đi sẽ làm hỏng toàn bộ trải nghiệm và mong ước của chuyến đi đó. Bạn sẽ kết thúc chuyến đi trong tâm trạng không hài lòng và mệt mỏi.

Hãy biến những chuyến đi của bạn trở thành những cánh cửa mở ra thế giới mới chứ không phải là những chiếc khóa khép bạn lại sau mỗi lần trở về.